Văn hóa ăn chay của người Việt xưa và nay
Chỉ có con người và các động vật ăn cỏ, ăn lá cây mới có răng hàm để nghiền thức ăn. Hàm dưới không chỉ đưa lên đưa xuống, còn đưa qua lại như cối xay nhằm chà xát thức ăn.
Ăn chay, gốc từ chữ Hán là Trai, tức là giữ lòng được trong sạch. Xưa, có lệ trai giới, mỗi khi cầu nguyện với đất trời hay có việc tế tự trước 3 ngày ăn uống đồ chay (gọi là Trai), trước 7 ngày giữ gìn thành kính tâm niệm việc mình cầu nguyện (gọi là Giới).
Thời phong kiến trước khi tế trời ở Đàn Nam Giao, nhà vua sống biệt lập, cử ăn thịt cá ba ngày, không được gần gũi cung phi, mỹ nữ. Ngày nay, nhiều người tuy không đến chùa Phật để quy y Tam Bảo cũng nguyện ăn chay vì lý do đó.Vả hoặc ông bà cha mẹ ăn chay, con cháu giữ lệ cũng ăn theo, để báo hiếu. Cũng có trường hợp ăn chay để ngừa cao huyết áp, ăn những món thực vật để giảm lượng cholesterol trong máu.
Theo tập quán lâu đời, rất nhiều phật tử, tín đồ Cao Đài, Hòa Hảo, dù chưa ăn chay trường, nhân lễ hội Vu Lan tháng 7 âm lịch thường lập nguyện ăn chay trọn tháng hay nửa tháng. Bà con cho đó là hồi hướng công đức để báo hiếu.Thật ra, thuở Phật giáo sơ khai, những người xuất gia vẫn được ăn thịt cá không phải chính họ sát sinh… Nhưng đến hồi Phật giáo thịnh hành, các nhà Phật học phái Đại Thừa tuyệt đối không ăn thịt cá. Còn ở nước ta ăn chay thịnh hành từ thời Lý – Trần. Huế đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) trở thành thủ phủ của Phật giáo tục ăn chay phổ biến trong cả tầng lớp quý tộc, nên ở Huế việc nấu chay khá đặc sắc so với các nơi khác.
Đạo Thiên Chúa cũng có kỷ luật ăn chay, gọi là ăn nhẹ, vào ngày thứ sáu trong tuần, ngày Chúa bị đóng đinh. Hiện nay, do đời sống phức tạp, lắm người ngại nấu nướng, đã có người phục vụ cơm chay hộp tận nhà. Các siêu thị bày đủ các loại mì gói chay ăn liền.
Từ nhiều năm nay, đám cưới rình rang tại những nhà hàng lớn rất vui: có khu bày tiệc mặn, có khu bày tiệc chay. Có nhiều nhà hàng tổ chức buffet chay nhân mùa Vu Lan (Rằm tháng 7) hoặc mỗi tháng ít nhất là 2 ngày Sóc, Vọng (mùng 1 và rằm âm lịch).
Nguồn gốc loài người vốn là loài ăn chay. Các nhà nghiên cứu về cơ thể học đã kết luận bộ máy tiêu hóa của loài người giống với bộ máy tiêu hóa các động vật ăn trái cây, rau, cỏ. Các động vật ăn thịt có bộ răng sắc nhọn, có răng dài để xé thịt, nhưng chúng không có răng hàm phía trong. Chỉ có con người và các động vật ăn cỏ, ăn lá cây mới có răng hàm để nghiền thức ăn. Hàm dưới không chỉ đưa lên đưa xuống, còn đưa qua lại như cối xay nhằm chà xát thức ăn. Còn động vật ăn thịt không có răng hàm và hàm dưới chỉ có chuyển động lên xuống mà thôi vì thịt được tiêu hóa trong bao tử.
Quanh miệng con người có 6 tuyến nước bọt, phân ra mỗi bên 3 tuyến: tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Số lượng nước bọt sẽ tăng lên mỗi khi nhai thức ăn. Thức ăn tinh bột được tiêu hoá ban đầu trong miệng qua quá trình nhai. Các thức ăn lỏng và nước uống thường không ở lâu trong bao tử. Các tinh bột và rau thường chỉ ở lại bao tử trong 2 giờ. Con người và động vật ăn cỏ uống nước bằng miệng, khác với cách uống nước bằng lưỡi của các động vật ăn thịt. Cách thoát mồ hôi cũng khác nhau. Động vật ăn thịt thoát mồ hôi bằng lưỡi, da chúng không có tuyến thoát mồ hôi. Còn con người và động vật ăn cỏ có tuyến thoát mồ hôi trên da. Cấu trúc bộ tiêu hóa nói trên rất phù hợp thuyết tiến hóa của Darwin, thủy tổ của loài người là loài vượn, vốn là loài ăn ngũ cốc, trái cây và các rau lá.
Ngày nay, việc sản xuất, chế biến thịt đã gây ra biết bao cuộc tranh chấp, chiến tranh kinh tế giữa các quốc gia, như các vụ thịt bò điên của Anh, thịt các súc vật của Mỹ biến đổi gene, gần đây bệnh lở mồm long móng của gia súc…
Hiện nay trong bộn bề tất bật của cuộc sống con người có biết bao điều phải lo toan trăn trở, có được chút thư giãn cửa tâm linh thật quý giá vô ngần. Để cuộc sống giản đơn, thanh cao mà năm tháng ít dành được sự bình tâm nhằm trở lại với cội nguồn của niềm an lạc, hãy tìm đến thú ẩm thực nhẹ nhàng mà nâng đỡ tâm hồn qua bữa cơm chay thanh đạm, giúp con người hướng đến bản, nguyện nguyên thủy.
Leave a Reply